Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp huyện
Bạn đang xem nội dung tài liệu Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến cấp huyện, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
ĐƠN YÊU CẦU CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN CẤP HUYỆN
Năm học 2019-2020
Kính gửi: -Hội đồng sáng kiến huyện Châu Thành.(1)
- Tôi tên: Nguyễn Thị B
- Ngày, tháng, năm sinh:10/08/1978
- Nơi công tác: Trường Mẫu giáo Hoa Sương, xã .
- Chức danh: Hiệu Trưởng
- Trình độ chuyên môn: Đại học
- Là tác giả đề nghị xét công nhận sáng kiến: (2): Một số biện pháp hướng dẫn giáo viên trang bị cho trẻ 5-6 tuổi các kỹ năng đọc và viết chuẩn bị tốt vào lớp 1.
- Lĩnh vực áp dụng sáng kiến: (4) : Giáo dục
- Ngày sáng kiến được áp dụng lần đầu hoặc áp dụng thử, (ghi ngày nào sớm hơn): 05/12/2019.
- Mô tả bản chất của sáng kiến: (5) :
+ Thời gian thực hiện sáng kiến: Năm học 2018-2019.
+ Quá trình hoạt động thực hiện sáng kiến:
* Lý do chọn sáng kiến:
Giáo dục mầm non có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, là khâu đầu tiên của quá trình phát triển toàn diện nhân cách con người, đồng thời góp phần chuẩn bị cho trẻ đến trường tiểu học. Trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi là lứa tuổi quan trọng mà cuối độ tuổi đó, trẻ phải trải qua bước ngoặt 6 tuổi, khi có bước chuyển giao từ hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi của trẻ mầm non thành hoạt động chủ đạo là hoạt động học tập của học sinh tiểu học. Để sẵn sàng với việc học ở trường phổ thông, trẻ cần được chuẩn bị toàn diện về mọi mặt cả về hoạt động, nhận thức và nhân cách. Công tác giáo dục này cần được tiến hành ngay từ khi trẻ còn nhỏ và có sự hợp tác giữa gia đình và trường mầm non. Để trẻ trở thành một học sinh thực thụ, trẻ phải được học đọc, viết. Đọc, viết là kỹ năng chuyên biệt, cần thiết cho việc trẻ học tập chủ động ở lớp một nói riêng và ở bậc phổ thông nói chung.
* Mục đích chọn sáng kiến:
Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh về việc chuẩn bị cho trẻ 5-6 tuổi các kỹ năng đọc và viết chuẩn bị tốt vào trường phổ thông theo đúng tinh thần Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT.
Khắc phục tình trạng dạy trẻ đọc, viết, ghép vần sai, ảnh hưởng đến việc học của trẻ (khó sửa sai)
Giúp trẻ cảm thấy tự tin và hứng thú đối với các hoạt động đọc và viết trên tinh thần tự nguyện. Trang bị cho trẻ đầy đủ kỹ năng cơ bản, cần thiết để giúp trẻ thích ứng với môi trường học tập mới, tránh được những bỡ ngỡ ban đầu những cảm giác sợ sệt, thiếu tự tin.
Ngoài ra, đề tài nghiên cứu giúp giáo viên xây dựng môi trường kích thích trẻ hoạt động làm quen cách đọc và viết, tạo môi trường chữ viết phong phú, tổ chức các hoạt động theo hướng tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, không tạo áp lực cho trẻ.
* Các giải pháp thực hiện sáng kiến:
Một là, xác định nội dung cần thiết khi cho trẻ làm quen với đọc và viết
- Hướng dẫn giáo viên xác định các nội dung cần dạy cho trẻ 5-6 tuổi:
+ Giúp trẻ hiểu được: đọc, viết giúp ích gì cho con người? đọc, viết có thể làm được điều gì?
+ Gọi tên và viết các chữ cái.
+ Nhận biết và viết tên của bản thân
+ Nhận ra các chữ trong truyện, thơ, bảng biểu và và trò chơi
+Nghe truyện để hiểu nghĩa
- Giáo viên cần hình thành những phẩm chất cho trẻ như:
+ Hứng thú nghe kể và đọc truyện
+ Mong muốn được đọc
+ Tò mò tìm hiểu các từ và chữ
+ Khám phá các ký hiệu và mẫu chữ khác nhau
+ Thích thú chơi trò chơi với chữ cái
+ Hứng thú với truyện, thơ, vần điệu, sách, trò chơi đóng kịch
Hai là, tổ chức cho trẻ thực hành làm quen cách đọc và viết
Không giống như âm thanh và nghĩa của ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết không có tình huống và trực quan. Vì vậy, khi dạy trẻ đọc, viết, giáo viên cần rõ ràng và trực tiếp thông qua các hoạt động: đọc to, trao đổi, hoạt động nhóm nhỏ, trò chuyện trực tiếp giữa cô, trẻ, trò chơi..
Ngoài ra, giáo viên cần lồng ghép việc dạy trẻ đọc, viết và các hoạt động quen thuộc của trẻ, để một mặt giúp trẻ làm quen với đặc điểm chữ viết, một mặt vẫn thỏa mãn nhu cầu hứng thú của trẻ
Ví dụ đọc truyện theo hướng tích cực hóa:
Đọc truyện (đọc to) sẽ phát huy được tác dụng nếu trẻ được tham gia và có những phản ứng đáp lại tích cực. Để có được điều này đòi hỏi giáo viên biết sử dụng 3 hoạt động hỗ trợ sau:
(1) Hoạt động trước khi đọc, nhằm gây hứng thú và tạo sự tò mò ở trẻ về truyện sẽ được nghe đọc
(2) Hoạt động và các câu hỏi khuyến khích, động viên duy trì hứng thú và sự tham gia tích cực của trẻ trong khi đọc truyện
(3) Hoạt động và các câu hỏi sau khi đọc truyện nhằm tạo cơ hội cho trẻ trao đổi và đáp lại những gì đã nghe
Để giúp trẻ tiếp cận với việc học viết, giáo viên cần khuyến khích trẻ thực hiện các thao tác viết ban đầu. Ví dụ: viết nguệch ngoạc, viết các chữ cái ngẫu nhiên và viết sang tạo bằng cách:
- Sắp xếp góc học tập riêng để trẻ có thể ngồi vẽ, viết. Ở góc này nên có nhiều bút chì màu, bút chì và nhiều giấy để trẻ tự sử dụng. Cho trẻ tô màu, khuyến khích trẻ vẽ nghệch ngoạc.
- Giúp trẻ viết những chữ cái khi trẻ bắt đầu thể hiện sự quan tâm đối với việc vẽ, viết.
- Dạy trẻ chữ viết là chữ có ý nghĩa. Khuyến khích trẻ viết tên mình vào phía trên của tờ giấy mà trẻ đang sử dụng. Giúp trẻ viết những ghi chú đơn giản về gia đình, có thể là những chữ cái, những kí hiệu hình vẽ mà trẻ sáng tạo theo cách riêng.
- Khuyến khích trẻ tô màu các bức tranh và kể lại nội dung của bức tranh đó cho các bạn nghe, đồng thời giáo viên sẽ viết lại những lời kể thành một câu chuyện và đóng lại thành sách truyện do cô và trẻ cùng làm ra. Ngoài ra trong giờ làm quen văn học tạo điều kiện để trẻ được trau dồi vốn từ, khả năng diễn đạt, hứng thú với chữ viết.
Ví dụ: Sau khi kể chuyện “Hai anh em”, cô gắn lên bảng hình vẽ người em và người anh, yêu cầu trẻ tìm ra một từ thích hợp để kể về người em hoặc người anh, cô sẽ viết lại các từ của trẻ nghĩ ra bằng chữ viết thường ở phía dưới hình vẽ và để lại ở lớp nhiều ngày cho các bạn quan sát chữ viết thường.
Người anh: Chăm chỉ, thật thà, tốt bụng
Người em: Lười biếng, không ngoan, mải chơi.
Cô nên giải thích cho trẻ hiểu rằng, những điều mà trẻ vừa nói cô đã ghi bằng chữ lên bảng để cho các bạn cùng xem và đọc; đó là một sự khích lệ cần thiết để trẻ tự nguyện và hứng thú đến với việc học đọc, học viết một cách tự nhiên bằng ngôn ngữ có cảm xúc, được diễn đạt mạch lạc và theo cốt truyện
Ba là, sử dụng ngôn ngữ phong phú
Thường xuyên tạo điều kiện cho trẻ được giao tiếp, tương tác, thể hiện mối quan hệ thân thiện giữa giáo viên với trẻ, trẻ với trẻ, giữa trẻ với những người xung quanh. Giáo viên cần tạo môi trường giao lưu ngôn ngữ tích cực cho trẻ, cần thường xuyên trò chuyện với trẻ và khuyến khích trẻ nói. Khi trẻ có khó khăn hay có tâm lý ngập ngừng, nhút nhát, cô cần khích lệ, hỗ trợ, động viên để trẻ tích cực trò chuyện. Cô cần tạo ra các kênh giao tiếp thường xuyên, được tiến hành giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô và giữa trẻ với mọi người xung quanh. Khi giao tiếp với trẻ, cô chú ý đến giọng nói và thái độ, giọng nói dịu dàng, ánh mắt trìu mến, tình cảm nồng ấm của cô sẽ khiến trẻ tự tin hơn rất nhiều.
Giáo viên khuyến khích trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện trong các nhóm lớn, nhóm nhỏ và giáo viên. Khi nói chuyện với trẻ giáo viên cần:
- Sử dụng những từ ít gặp, những từ trẻ ít sử dụng trong trao đổi hàng ngày, mở rộng phát triển các câu nói, nhận xét của trẻ thành những câu đúng nghĩa, đúng ngữ pháp
- Trao đổi với trẻ những nội dung và vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức, tư duy, khuyến khích trẻ thể hiện suy nghỉ của bản thân bằng ngôn ngữ cũng như các ký hiệu và sản phẩm hoạt động
Khi đọc truyện, giáo viên đọc to cho cả lớp nghe (đọc một đến hai lần trong một ngày). Giáo viên tăng cường cho trẻ tiếp xúc với các truyện thơ và sách. Cung cấp cho trẻ những hoạt động trước, trong và sau khi đọc truyện. Tổ chức cho trẻ tham gia vào các cuộc trò chuyện về quyển sách vừa được nghe đọc
Trong các hoạt động trò chơi, kể truyện, hát, trò chơi...giáo viên cần phát triển hiểu biết của trẻ về các âm ngôn ngữ. Ví dụ:
- Gieo vần: cho trẻ tìm những từ có âm cuối giống (VD: con cá vàng, có hai mang)
- Sự lập lại cùng một chữ cái hay một âm ở đầu hai từ hoặc nhiều từ trong câu (VD: dung dăng dung dẻ)
- Ghép âm: tìm từ được bắt đầu bằng chữ cái nào đó (VD: cho trẻ xem tranh các con vật yêu cầu trẻ tìm các con vật bắt đầu là chữ cái h, trẻ tìm con hươu, con hổ.....)
Bốn là, tạo môi trường kích thích trẻ đọc và viết
Môi trường giáo dục trong lớp có tác dụng tốt đến quá trình giáo dục trẻ. Để trẻ làm quen với chữ ở mọi góc trong và ngoài lớp, giáo viên cần tạo môi trường chữ viết thật đẹp, hấp dẫn để cuốn hút trẻ. Ở lớp trang trí các góc chơi bằng chính các sản phẩm của cô và trẻ. Riêng góc học tập: Luôn dành các mảng tường mở với các bài tập sáng tạo, tái tạo để cho trẻ được tự do làm các bài tập theo khả năng, sở thích của mình, tự in, tô vẽ các chữ trẻ đã học, được tự ghi tên mình, tự vẽ các câu chuyện theo trí tưởng tượng sáng tạo và kể cho các bạn nghe.
- Làm lịch hàng ngày: Mỗi ngày luân phiên cho trẻ lên viết chữ, viết số hoặc sao chép chữ, số và ghi lại tên trẻ để phụ huynh và trẻ được quan sát nhìn thấy năng lực viết ở mỗi trẻ.
Ví dụ: Ở chủ điểm Thế giới thực vật
- Cho trẻ viết chữ, xếp chữ hoặc gài chữ theo mẫu dưới các hình ảnh và chữ mẫu của cô về các loại quả, cây, rau, hoa
- Cho trẻ tô chữ còn thiếu trong từ, sau đó nối từ với các hình ảnh có sẵn hoặc nối chữ cái theo yêu cầu có trong từ dưới hình ảnh có sẵn với các chữ cái in đậm.
Trên các mảng tường, có thể trang trí nhiều hình ảnh phù hợp với chủ điểm và mỗi hình ảnh đều gắn với tên gọi.
- Giờ học với tất cả các môn học khác, có thể lồng ghép thêm các chữ cái.
- Giờ chơi: Các góc chơi đều có môi trường chữ cho trẻ tự tìm hiểu như làm các bài tập gắn, đính, viết và gài chữ theo mẫu
Năm là, sử dụng các trò chơi học tập giúp trẻ làm quen với chữ viết
Đối với trẻ mầm non nói chung, trẻ 5-6 tuổi nói riêng, chơi là hoạt động chủ đạo, nên giáo viên cần biết ưu thế của trò chơi, qua đó “trẻ học mà chơi, chơi mà học”. Việc học chữ qua trò chơi sẽ sinh động hơn, kích thích hứng thú cho trẻ nhiều hơn. Việc chuẩn bị cho trẻ làm quen với chữ viết đòi hỏi phải có thiết kế hoạt động thích hợp. Các trò chơi được vận dụng một cách linh hoạt theo chủ đề để thu hút sự tham gia của trẻ. Song, bên cạnh đó cũng cần phải tính đến thời gian cho trẻ hoạt động có tính chuyên biệt như trẻ trải nghiệm việc đọc, viết theo khả năng riêng của trẻ.
Ví dụ trò chơi "tìm chữ còn thiếu trong từ", "Nhận ra từ thừa", "Từ tượng thanh"," tạo dáng chữ cái", " xếp chữ bằng hột hạt"......
Sáu là, phối hợp với gia đình
Các hoạt động đọc và viết, những kỹ năng này không chỉ có học ở trường mà cần tiếp tục cũng cố và mở rộng ở gia đình trẻ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường thống nhất trong phương pháp dạy trẻ
Tuyên truyền phụ huynh về nhận thức rõ tác hại của việc dạy trẻ đọc, viết trước chương trình lớp 1 và hiểu rõ hơn về Chỉ thị số 2325/CT-BGDĐT. Để phụ huynh an tâm, không còn lo lắng thái quá, muốn chuẩn bị kỹ càng cho con trước khi đi học, lo sợ con mình bị tụt hậu, không theo kịp bạn đã biết chữ, cho trẻ đi học thêm
Hướng dẫn phụ huynh phối hợp và thống nhất phương pháp với nhà trường trong việc chuẩn bị cho trẻ đọc và viết cho trẻ như: giáo viên và phụ huynh thường xuyên nhắc nhở, sửa trẻ tư thế ngồi và cách cầm bút: Ngồi đúng tư thế và sử dụng bút, cầm đúng bút khi viết, vẽ. Làm quen với cách viết tiếng Việt, sử dụng đúng bút, viết theo đúng cách, đưa bút theo đúng hướng viết các nét chữ, tập tô, tập đồ các nét chữ cái, sao chép một số kí hiệu, chữ cái, tên của mình; liên kết các chữ viết của trẻ với những kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày của trẻ
- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tác giả: (6)
Trang bị tốt cho trẻ 5-6 tuổi các kỹ năng đọc và viết chuẩn bị tốt vào lớp 1.
- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến theo ý kiến của tổ chức, cá nhân đã tham gia áp dụng sáng kiến lần đầu, kể cả áp dụng thử (nếu có): (7)
Hiệu quả của sáng kiến:
Từ những cố gắng nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm của bản thân, sự đồng thuận hợp tác của tập thể sư phạm, sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ đã giúp nhà trừơng đạt được một số kết quả như sau:
Thứ nhất, Kết quả từ phía CBQL-GV:
Tất cả cán bộ quàn lý (CBQL) giáo viên trường nói chung và khối lá nói riêng đều được nhận thức về tầm quan trọng của việc cho trẻ làm quen các đọc và viết, chuẩn bị kiến thức cơ bản, cần thiết cho trẻ vào lớp 1
Hiểu được phát triển khả năng đọc, viết cho trẻ là một quá trình liên tục có hệ thống. Trong đó quá trình chuẩn bị giai đoạn học viết rất dài, người cán bộ quản lý và giáo viên không được nóng vội
Giáo viên đã nắm rõ nội dung, phương pháp dạy trẻ làm quen cách đọc và viết, biết tận dụng xây dựng và khai thác môi trường hoạt động phong phú cho trẻ trải nghiệm, khám phá, biết tận dụng các tình huống trong cuộc sống hang ngày để dạy trẻ làm cách đọc và viết một cách hiệu quả
Thứ hai, Về phía phụ huynh:
100% phụ huynh hiểu đầy đủ về nội dung chuẩn bị đọc và viết cho trẻ 5-6 tuổi vào lớp 1. Không còn tâm lý nóng vội cho trẻ học thêm chương trình lớp lớp 1, làm đánh mất tuổi thơ của trẻ cũng như việc ảnh hưởng tâm lý trẻ
90% phụ huynh phối hợp cùng nhà trường thực hiện tốt việc rèn luyện, tạo cơ hội phát triển kỹ năng viết của trẻ mọi lúc mọi nơi và quan tâm đến hứng thú và sở thích riêng của trẻ để lựa chọn biện pháp tác động hiệu quả.
Phụ huynh tin tưởng vào phương pháp giảng dạy của nhà trường, nhiệt tình hỗ trợ việc xây dựng môi trường hoạt động (đặc biệt hỗ trợ thư viện sách cho trẻ)
Thứ ba, Kết quả trên trẻ:
100% trẻ 5-6 tuổi hứng thú tham gia vào hoạt động khám phá môi trường chữ viết, ham thích nghe chuyện và làm quen cách lật sách, dở sách
Tiền kỹ năng đọc và viết của trẻ 5-6 tuổi trường tôi được tăng dần theo từng năm học
Danh sách những người đã tham gia áp dụng thử hoặc áp dụng sáng kiến lần đầu (nếu có):
Số TT
Họ và tên
Ngày tháng năm sinh
Nơi công tác (hoặc nơi thường trú)
Chức danh
Trình độ chuyên môn
Nội dung công việc hỗ trợ
1
Nguyễn Thị C
1980
Trường Mẫu giáo ..
Hiệu phó
Đại Học
Giảng dạy
2
Nguyễn Thị D
1979
Trường Mẫu giáo ..
Giáo viên
Đại Học
Giảng dạy
3
Nguyễn Thị H
1980
Trường Mẫu giáo ..
Giáo viên
Đại Học
Giảng dạy
4
Nguyễn Thị G
1978
Trường Mẫu giáo ..
Giáo viên
Đại Học
Giảng dạy
Tôi xin cam đoan mọi thông tin nêu trong đơn là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
An Ninh, ngày 11 tháng 2 năm2020
Người nộp đơn
Nguyễn Thị B
File đính kèm:
- don_yeu_cau_cong_nhan_sang_kien_cap_huyen.doc